ĐỂ CÓ ĐƯỢC CHÌA KHÓA VÀNG “LUẬT KTS” [1]
(Tham luận tại “Hội thảo Xây dựng Luật KTS”, trong Vietarc 2012, tại Tp.HCM, ngày 08/6/2012)
Kiến Trúc Sư – Luật Sư NGUYỄN TIÊN QUANG
1/- Luật : ý nghĩa và sứ mạng :
1.a/- Ý nghĩa và sứ mạng chung (của Luật) :
- Ngày trước : dùng từ “chế tài” để chỉ ra “ý nghĩa và sứ mạng” của Luật : nó mang lại cảm quan “bó buộc, chế ngự, cưỡng bách”
- Ngày nay : người ta dùng khái niệm “điều chỉnh”, cũng như ta điều chỉnh 1 bản vẽ, 1 thiết kế, 1 quy hoạch, 1 dự toán …
“Điều chỉnh” giúp hình dung được “mở rộng ra”, “thu hẹp lại”, nâng cao lên”, hạ thấp xuống”, …
Nó không sổ sàng như “bó buộc, chế ngự”, chẳng những đối với đối tượng “bị điều chỉnh” mà còn giúp cho “phía điều chỉnh” điều chỉnh hợp lý, đúng chỗ, và kịp thời hơn.
1.b/- Ý nghĩa và sứ mạng “cộng thêm” của Luật KTS :
- Khi VN đang hội nhập quốc tế (WTO, UIA) thì “hệ thống của ta cần phải “tương ứng” được, “ráp” được với quốc tế trong đó có một vấn đề lớn : Luật có bao hàm cái yêu cầu “tương ứng” này.
- Xác lập sự “luật hóa” vai trò vị trí của KTS trong xã hội. Lâu nay xã hội nhìn nhận KTS (và cả “không cần nhìn nhận”) bằng một cách “dân gian, tập quán”.
2/- Từ ý tưởng trên, Luật KTS điều chỉnh cái gì ? :
2.a/- Trước tiên, phải nói đến SỰ CẦN THIẾT PHẢI CÓ LUẬT KTS “ :
2.b/- Vậy khi có Luật KTS, luật sẽ mang lại hiệu quả gì ? :
2.b.1/- Đối với đối tượng điều chỉnh của Luật : KTS
* Được đào tạo đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội.
* Được luật bảo vệ để thực thi tốt nhất chức năng nhiệm vụ của mình đồng nghĩa với việc đóng góp tốt nhất cho xã hội.
* Được thiết lập một môi trường hoạt động tối ưu, trong đó có cơ cấu mô hình tổ chức nghề nghiệp của mình : Đoàn KTS
* Được “chế tài” một cách hợp lý, phù hợp với luật pháp và đạo đức xã hội
* Được pháp luật đảm bảo thụ hưởng thành quả lao động của mình một cách xứng đáng, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ và thù lao.
2.b.2/- Đối với “khách hàng” của KTS : thân chủ, cộng đồng, xã hội :
* Được đảm bảo là đã được những chủ thể cung cấp dịch vụ kiến trúc cho mình đáp ứng một cách tối ưu, hiệu quả, và phù hợp với pháp luật. KTS đang đối tác đúng thật là KTS đã được pháp luật công nhận.
* Xã hội được để lại những di sản đúng chất lượng, đúng giá trị, đúng tầm vóc, phù hợp văn hóa, văn minh. Luật KTS “luật hóa” cái vai trò vị trí của KTS, xây dựng một thương hiệu “KTS” cho KTS phù hợp luật, giúp cho xã hội yên tâm “sử dụng” KTS.
* Luật KTS “điều chỉnh” cách cư xử của xã hội, trong đó có cá nhân, tổ chức, và Nhà Nước, đối với KTS. Luật KTS Singapore phạt hình sự người nào “dùng” như là “dùng” KTS những kẻ nào không phải là KTS.
2.b.3/- Đối với bộ máy Nhà Nước (quản lý XH) :
* Có Luật là công cụ rạch ròi, mạnh mẽ, minh bạch, “luật hóa” để thiết lập, điều hành, quản lý, điều chỉnh hành vi của các chủ thể (các KTS, các tổ chức hành nghề kiến trúc, các cơ quan quản lý kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc) đang hoạt động kiến trúc trong xã hội.
* Từ Luật có được một môi trường tổ chức (Đoàn KTS, Hội KTS, các tổ chức hành nghề kiến trúc) trong đó, quan trọng là Đoàn KTS, điều hành, điều chỉnh các hoạt động, các hành vi của KTS trong xã hội phù hợp luật và đạo đức xã hội. Đây chính là địa chỉ quản lý phần “hồn kiến trúc” (đạo đức trong hành nghề kiến trúc, văn hóa kiến trúc, xu hướng kiến trúc, giải thưởng kiến trúc, tương lai diện mạo đô thị v.v..) (Ở Anh, người ta lập ra Hội đồng nghệ thuật thành phố không phải là kiểu cơ quan quản lý nhà nước, nó có quyền hạn nhất định trong việc quản lý, điều chỉnh những vấn đề liên quan đến văn hóa kiến trúc).
* Quy hoạch, định hướng và thực thi được các ý tưởng của Nhà nước trong hai việc lớn : 1/- phát triển nền kiến trúc (thí dụ : diện mạo đô thị hiện đại, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống…), và 2/- trong việc hội nhập quốc tế.
* Không như các văn bản dưới Luật, Luật mới có được cái giá trị lâu bền, tách bạch khỏi ảnh hưởng của nhiệm kỳ “giới chức”, thường dễ thay đổi, biến động,… dễ gây khó khăn, xáo trộn, chồng chéo, …
3/- Như vậy, khi Luật KTS được thực thi, so với hiện tại, tình hình sẽ khác nhau ra sao ?
- Lâu nay đã có luật, có rất nhiều văn bản pháp luật.
- Các văn bản pháp luật hiện hành có thể xếp vào hai nhóm : 1/- nhóm điều chỉnh các hoạt động kiến trúc trong xã hội; và 2/- nhóm điểu chỉnh các chủ thể hành nghề kiến trúc.
- Nhóm 1 nhiều nhất “dày đặc”, đông đảo, có cả Luật và dưới luật. Đây chính là các tiêu chuẩn, quy phạm,… điều chỉnh các đối tượng, các sản phẩm cụ thể của hoạt động kiến trúc, xây dựng, như Luật XD, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Phòng cháy chửa cháy,… và các Nghị định về tiêu chuẩn quy phạm,…
- Nhóm 2 lại quá ít, không đủ và chỉ có dưới luật mà chưa có Luật, vừa thiếu sót vừa bất cập so với thực tiển hành nghề kiến trúc, cho nên chúng ta mới cần đến Luật KTS.
- Đặc biệt là khi Luật KTS ra đời sẽ thiết chế một môi trường, một cơ cấu hiện chưa có : Đoàn KTS. Luật KTS vạch ra khúc chiết, rạch ròi, rành mạch việc thành lập một cơ cấu tổ chức giúp cho việc hành nghề và hoạt động kiến trúc trong xã hội đảm bảo đúng “những lập luận” đã nói từ trên, phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
- Đoàn KTS là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, nhưng có thêm chức năng góp phần tham gia việc quản lý và đào tạo (“ngoài trường lớp”) các thành viên của mình. Đoàn có thẩm quyền trong việc định chuẩn KTS cả về chuyên môn và đạo đức; thừa nhận và giới thiệu với xã hội ai là KTS, văn phòng KTS, công ty kiến trúc; bảo vệ, bênh vực và kỷ luật KTS khi KTS hành nghề; giải quyết các tranh chấp giữa các KTS; và nhiều sự vụ khác…
- Từ trên, Luật KTS đáp ứng được cái yêu cầu, cái trào lưu quốc tế : sự hội nhập vào toàn cầu, “tương ứng” được, “ráp” được với toàn cầu.
4/- Vậy thì, việc xây dựng Luật sẽ diễn tiến ra sao ?
- Sẽ phải qua nhiều bước và kiên trì nhiều năm, nhưng đại nét :
- Hội KTS VN là người nhận thức được nhu cầu luật, cho nên đã đưa ra đề xuất, cần phải tranh thủ được sự đồng thuận của những cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
- Kế đến là có sự đồng thuận từ Chính phủ và UBTVQH, dẫn đến việc UBTHQH cho phép nghiên cứu và soạn thảo Dự Luật.
- Một Uỷ Ban Soạn thảo Luật sẽ được thành lập. Việc này Hội KTS đã đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì và Hội sẽ phối hợp.
- Sau khi soạn thảo Dự Luật, bàn “tới lui nát nước” xong, sẽ trình Quốc Hội, Quốc Hội đề ra lịch trình thông qua, cuối cùng thì thông qua Luật tại một kỳ họp Quốc Hội.
- Chủ Tịch Nước ban hành Luật.
- Trong chuỗi công việc này, quan trọng nhất là soạn Dự Luật.
- “Kiến già” nhiều trải nghiệm, nhưng dễ cố chấp, lề thói, bảo thủ, quan liêu, cửa quyền, trưởng thượng, … và đặc biệt là … lạc hậu nữa.
- “Kiến trẻ” thì giàu nhiệt huyết, năng động, cầu tiến, giàu sáng kiến, và đặc biệt là … có kỹ năng đương đại.
- Chính “Kiến trẻ” phải là lực lượng chính tham gia xây dựng Luật, cạnh đó kiến già cố gắng lắm, chỉ làm được chuyện tư vấn, cố vấn cho kiến trẻ làm Luật. Việc các bạn Kiến trẻ làm Luật, giống như các bạn phải tự may cho mình cái áo mới để mặc, thay cho cái áo cũ đã sờn rách và chật chội, thay vì để cho những người hàng xóm hay những anh già, dù là đang ở cùng một “khu phố văn hóa” với các bạn đứng ra may cái áo cho các bạn mặc.
- Chính “Kiến trẻ” là những người góp phần xây dựng diện mạo của đất nước mình 10, 20 năm sau và luôn cả sau đó...
Đề nghị : Cuối cùng, xin đề nghị mở một diễn đàn (forum) về việc xây dựng Luật KTS trên website của Hội KTS, nếu website Hội chưa thể đáp ứng thì mở ra trên website Hội Tp.HCM hay trên Tre Làng Kiến Việt. /.
Bình luận từ người dùng